KỶ NIỆM 115 NĂM NGÀY SINH CỦA CỐ TỔNG BÍ THƯ TRẦN PHÚ

Thứ tư - 17/04/2019 01:38
Có những con người mà cuộc đời tuy ngắn ngủi, nhưng sáng chói như ánh sao băng trên bầu trời, sống mãi trong lòng người và trở thành tấm gương sáng cho các thế hệ mai sau. Đồng chí Trần Phú -Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta là một con người như thế. Tổng Bí thư Trần Phú với "Lòng yêu nước, ánh sáng và tinh thần quốc tế"

ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN
KỶ NIỆM 115 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ TRẦN PHÚ TỔNG BÍ THƯ ĐẦU TIÊN CỦA ĐẢNG
(01/5/1904 - 01/5/2019)

Đồng chí Trần Phú là người cộng sản mẫu mực, kiên cường, bất khuất, đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của nhân dân, luôn nêu cao phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, thủy chung, trung thành vô hạn với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của giai cấp và của dân tộc, lạc quan tin tưởng vào tương lai và sự tất thắng của cách mạng… Những phẩm chất tốt đẹp đó, cùng tình yêu thương đồng chí, đồng bào, chí khí kiên cường, bất khuất trước kẻ thù và lời nhắn nhủ cuối cùng của đồng chí Trần Phú: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” luôn sống mãi với thời gian, sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam, trường tồn cùng đất nước.

I. THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG CỦA ĐỒNG CHÍ TRẦN PHÚ
Đồng chí Trần Phú sinh ngày 01/5/1904, quê ở xã Việt Yên, nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh - Một vùng đất giàu truyền thống văn hóa, cách mạng. Thân sinh của đồng chí là cụ Trần Văn Phổ và cụ Hoàng Thị Cát.
Cụ Trần Văn Phổ là một nhà nho nghèo, yêu nước. Sau khi đậu giải Nguyên (đỗ đầu kỳ thi Hương) vào năm 1848, Cụ được cử làm giáo thụ tại huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1901, Cụ vào dạy học tại Tuy An, tỉnh Phú Yên. Năm 1907, Cụ được bổ nhiệm làm Tri huyện huyện Đức Phổ. Dù dạy học hay làm quan, Cụ luôn là người chính trực, thanh liêm, yêu nước, thương dân. Khi thực dân Pháp tăng cường bóc lột tại Việt Nam, nhân dân đứng lên phản kháng, triều đình Nhà Nguyễn đã thẳng tay đàn áp nhân dân và bắt Cụ phải thi hành mệnh lệnh, nhưng Cụ đã đứng về phía nhân dân. Vì quá uất ức trước sự bạo tàn của thực dân, phong kiến, không chịu sự đe dọa, bức bách của kẻ thù, Cụ đã quyên sinh để phản kháng chế độ hà khắc lúc bấy giờ.
Cụ bà Hoàng Thị Cát - thân mẫu của đồng chí Trần Phú là người hiền hậu, tần tảo chăm lo chồng, con. Sau khi chồng mất, gia đình cụ Hoàng Thị Cát lâm vào cảnh khốn khó, Cụ lâm bệnh nặng, rồi qua đời vào đầu năm 1910, khi đồng chí Trần Phú mới 6 tuổi.
Mẹ mất, đồng chí Trần Phú về Quảng Trị ở với anh, chị ruột. Năm 1914, đồng chí vào Huế học tại Trường Tiểu học Pháp - Việt Đông Ba, tiếp đó học tại Trường Quốc học Huế.
Năm 1922, sau thi đỗ đầu kỳ thi Thành Chung do Trường Quốc học Huế tổ chức, đồng chí Trần Phú được bổ nhiệm dạy học tại Trường Tiểu học Cao Xuân Dục, Thành phố Vinh. Trong quá trình dạy học, đồng chí có dịp gần gũi với công nhân và nông dân, nhiệt tình truyền đạt kiến thức văn hoá, giác ngộ tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng cho những người lao động.
Năm 1925, Đồng chí Trần Phú tham gia sáng lập và hoạt động tích cực trong tổ chức Hội Phục Việt. Khi bị bọn mật thám phát hiện, những người lãnh đạo Hội quyết định đổi tên thành Hội Hưng Nam, sau đó lại đổi tên thành Việt Nam Cách mạng Đảng, rồi Tân Việt Cách mạng Đảng. Trong những ngày sôi động đó, đồng chí Trần Phú thôi nghề dạy học, tập trung cho hoạt động cách mạng.
Tháng 9/1925, đồng chí Trần Phú được Hội Phục Việt cử sang Lào để vận động cách mạng. Thời gian hoạt động ở Lào, đồng chí đã đi sâu tìm hiểu đời sống và nguyện vọng của công nhân, nông dân, giác ngộ cách mạng cho họ và bước đầu tự rèn luyện lập trường, ý thức giai cấp công nhân cho mình.
Tháng 6/1925, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Được tin, Ban lãnh đạo Hội Hưng Nam cử đồng chí Trần Phú sang gặp các đồng chí trong tổ chức này để đề nghị hợp nhất hai tổ chức. Trong thời gian này, đồng chí Trần Phú được lãnh tụ  Nguyễn Ái Quốc đặt tên là Lý Quý, được huấn luyện về lý luận chính trị và kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, vào Cộng sản Đoàn và được cử về nước hoạt động.
Tháng 12/1926, đồng chí Trần Phú về đến thành phố Vinh. Sau khi báo cáo việc Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên dự định hợp nhất các tổ chức cách mạng trong và ngoài nước, đồng chí truyền đạt lại những lời dạy của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, giúp các đồng chí trong nước cải tổ Hội Việt Nam cách mạng đồng chí theo đường lối và tổ chức của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Ở trong nước một thời gian, trước sự truy nã gắt gao của kẻ thù, đồng chí lại được cử sang Quảng Châu làm việc tại cơ quan Tổng bộ Thanh niên.
Mùa xuân năm 1927, trước yêu cầu cấp thiết của việc đào tạo cán bộ cách mạng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cử đồng chí Trần Phú sang học tại Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản ở Mát-xcơ-va. Lúc ấy, đồng chí mang tên là Li-ki-vơ. Ở trường này, theo đề nghị của Nguyễn Ái Quốc - đại diện Quốc tế Cộng sản, một nhóm cộng sản Việt Nam được thành lập, đồng chí Trần Phú được chỉ định làm Bí thư của nhóm. Dù vào học muộn một năm, sức khỏe yếu, nhưng với trí thông minh, ham học hỏi cùng với nghị lực mạnh mẽ, đồng chí Trần Phú đã nỗ lực phấn đấu không chỉ theo kịp các đồng chí khác, mà còn giúp đỡ cho một số anh em cùng khóa vươn lên học tập. Ngày 11/10/1929, Triều Nguyễn theo lệnh đế quốc Pháp kết án tử hình vắng mặt đồng chí Trần Phú.
Đầu năm 1930, sau khi học xong ở Trường Đại học Phương Đông, đồng chí Trần Phú đã xin tổ chức cho về nước hoạt động.
Tháng 4/1930, đồng chí Trần Phú về đến Hà Nội và đến tháng 7/1930 được cử vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng Cộng sản Đông Dương. Đồng chí Trần Phú đã khẩn trương tổ chức trao đổi với các đồng chí lãnh đạo Đảng trên các lĩnh vực, các vùng và nghiên cứu, khảo sát thực tế tình hình phong trào công nhân Nam Định, Hải Phòng, khu mỏ Hòn Gai, Thái Bình... Trong căn buồng xép của tầng hầm chật chội ở ngôi nhà số 90 - Thợ Nhuộm - Hà Nội, bản Luận cương chính trị của Đảng đã được đồng chí Trần Phú khởi thảo. Luận cương chính trị đã được Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 10/1930) thảo luận và nhất trí tán thành. Cũng tại Hội nghị này, Trần Phú chính thức được bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, khi đó đồng chí mới 26 tuổi.
Sau Hội nghị lần thứ nhất (tháng 10/1930) của Trung ương Đảng, Ban Thường vụ Trung ương quyết định đóng trụ sở tại Sài Gòn để thuận lợi cho việc lãnh đạo phong trào cách mạng cũng như việc liên lạc với Hương Cảng (Trung Quốc) và Mác-xây (Pháp). Tại Sài Gòn, đồng chí Trần Phú được một đảng viên làm bồi bếp cho tên đốc học người Pháp bố trí ở ngay trong nhà để đảm bảo giữ bí mật.
Tháng 3/1931, đồng chí Trần Phú chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ hai. Hội nghị đã nhận định tình hình cách mạng và đề ra những chủ trương, biện pháp mới nhằm đẩy mạnh phong trào, củng cố tổ chức Đảng. Sau Hội nghị, bọn mật thám ra sức lùng sục, đánh phá hàng loạt cơ sở Đảng. Ngày 18/4/1931, đồng chí Trần Phú bị địch bắt tại Sài Gòn và bị tra tấn rất dã man, nhưng chúng đã không khuất phục được ý chí của người cộng sản kiên trung. Đồng chí tuyên bố dứt khoát “Đừng hỏi làm gì nữa vô ích. Ta không thể đem công việc của Đảng ta nói cho các ngươi nghe”. Cuối cùng kẻ thù đã bất lực trước tinh thần gang thép ấy và đưa đồng chí ra Toà án Sài Gòn để xét xử. Tại đây, đồng chí Trần Phú đã thể hiện lòng dũng cảm, trí thông minh, bản lĩnh kiên cường, biến tòa án của kẻ thù thành nơi lên án chủ nghĩa đế quốc Pháp và nêu cao uy tín của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Trong những ngày bị giam cầm, tra tấn, đồng chí Trần Phú luôn nêu cao tấm gương đấu tranh cách mạng. Hàng ngày, đồng chí vẫn tham gia bồi dưỡng lý luận chính trị và kinh nghiệm công tác cho các đồng chí tù chính trị, căn dặn anh em, đồng chí luôn giữ vững tinh thần, đặt niềm tin sắt son vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp cách mạng. Tuy sức khỏe yếu, nhưng Trần Phú vẫn tích cực cùng anh em, đồng chí tham gia đấu tranh chống lại chế độ tù đày hà khắc của thực dân. Tháng 8/1931, bệnh của Trần Phú nặng hơn, bọn mật thám phải đưa đồng chí về Nhà thương Chợ Quán. Sức khỏe của đồng chí ngày càng yếu đi, ngày 06/9/1931, đồng chí Trần Phú đã trút hơi thở cuối cùng tại Nhà thương Chợ Quán (Sài Gòn) khi mới 27 tuổi - độ tuổi đang tràn đầy tài năng sáng tạo, cống hiến cho cách mạng. Trước khi hy sinh, đồng chí Trần Phú đã nhắn nhủ các đồng chí của mình: Hãy giữ vững chí khí chiến đấu!
Sau gần 68 năm kể từ ngày đồng chí Trần Phú hy sinh, phần mộ của đồng chí được tìm thấy tại Nghĩa trang Chợ Quán, Sài Gòn, nay là Công viên Văn hóa Lê Thị Riêng, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh. Vào lúc 09 giờ, ngày 12/01/1999, tại Hội trường Thống nhất Thành phố Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước đã tổ chức trọng thể lễ truy điệu, sau đó di dời hài cốt đồng chí về an táng tại đồi Hội Sơn, Cồn Nổi (Quần Nội) trước bến Tam Soa thuộc xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
II. NHỮNG CỐNG HIẾN TO LỚN CỦA ĐỒNG CHÍ TRẦN PHÚ ĐỐI VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM
1. Đồng chí Trần Phú là người dự thảo bản Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, góp phần quan trọng hình thành đường lối cách mạng Việt Nam
Luận cương chính trị do đồng chí Trần Phú dự thảo đã phân tích một cách khoa học tình hình thế giới, đặc điểm, tình hình cách mạng ở Đông Dương, từ đó khẳng định con đường phát triển của cách mạng Việt Nam, cách mạng Đông Dương, mối quan hệ của cách mạng nước ta với khu vực và thế giới.
Trước hết đó là đã xác định con đường phát triển của cách mạng Việt Nam và cách mạng Đông Dương, là tiến hành cách mạng tư sản dân quyền, tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Luận cương xác định nhiệm vụ của cách mạng là đánh đổ thực dân, phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc, sau đó “bỏ qua thời kỳ tư bổn mà tranh đấu thẳng lên con đường xã hội chủ nghĩa”. Giữa cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa quan hệ mật thiết với nhau, vì có đánh đổ chủ nghĩa đế quốc tại Việt Nam và Đông Dương mới phá được ách thống trị của địa chủ phong kiến, giành thắng lợi trong cách mạng thổ địa. Ngược lại, có phá tan được chế độ phong kiến mới đánh đổ được chủ nghĩa đế quốc.
Theo đồng chí Trần Phú, lực lượng cách mạng chính là giai cấp công nhân, nông dân và phải được đặt dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân mới thành công. Để giành được quyền lãnh đạo nông dân thì giai cấp công nhân phải lãnh đạo nông dân tiến hành cách mạng ruộng đất triệt để, bởi vì vấn đề ruộng đất là nội dung cốt yếu của cách mạng tư sản dân quyền.
Về Đảng, Luận cương nêu rõ điều kiện cốt yếu cho thắng lợi của cách mạng là phải có một Đảng Cộng sản với đường lối, chủ trương đúng, có kỷ luật, liên hệ mật thiết với quần chúng và trải qua đấu tranh cách mạng mà trưởng thành. Đảng là đội tiên phong của giai cấp vô sản, lấy Chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng và lãnh đạo giai cấp vô sản đấu tranh để đạt mục đích cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản. Để đảm bảo sự lãnh đạo, Đảng phải tổ chức ra các đoàn thể quần chúng của công nhân, nông dân… chống lại chủ nghĩa cải lương.
Về phương pháp cách mạng, Luận cương chỉ rõ phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa nhiệm vụ trước mắt và nhiệm vụ lâu dài. Khi thời cơ cách mạng đến Đảng phải lãnh đạo quần chúng dùng bạo lực cách mạng để giành chính quyền.
Một vấn đề nữa là Luận cương đã đặt cách mạng Việt Nam và cách mạng Đông Dương trong mối quan hệ chặt chẽ với cục diện cách mạng thế giới, với thời đại mới.
Như vậy, về mặt lý luận, Luận cương chính trị do đồng chí Trần Phú soạn thảo đã trình bày một cách logic và cụ thể các vấn đề về tính chất, con đường, nhiệm vụ, tổ chức lực lượng của cách mạng Đông Dương. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: “Trong bản Cương lĩnh cách mạng tư sản dân quyền năm 1930, Đảng đã nêu nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc, người cày có ruộng. Cương lĩnh ấy phù hợp với nguyện vọng thiết tha của đại đa số nhân dân ta là nông dân. Vì vậy, Đảng đã đoàn kết được những lực lượng cách mạng to lớn chung quanh giai cấp mình. Còn các đảng phái khác của các giai cấp khác thì hoặc bị phá sản, hoặc bị cô lập. Do đó, quyền lãnh đạo của Đảng ta - Đảng của giai cấp công nhân - không ngừng củng cố và tăng cường”.

2. Đồng chí Trần Phú với công tác xây dựng Đảng
Cùng với lý luận về con đường cách mạng Việt Nam, đồng chí Trần Phú đã có những đóng góp to lớn về công tác xây dựng Đảng trên cả 3 mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức.
Luận cương do đồng chí Trần Phú soạn thảo năm 1930 đã khẳng định: “Điều kiện cốt yếu cho sự thắng lợi của cách mạng ở Đông Dương là cần phải có một Đảng Cộng sản có một đường chánh trị đúng, có kỷ luật, tạp trung, mật thiết liên lạc với quần chúng và từng trải tranh đấu mà trường thành. Đảng là đội quân tiền phong của vô sản giai cấp lấy chủ nghĩa Các Mác và Lê nin làm gốc mà đại biểu quyền lợi cánh và lâu dài, chung cho cả giai cấp vô sản ở Đông Dương và lãnh đạo vô sản giai cấp Đông Dương ra tranh đấu để đạt được mục đích cuối cùng của vô sản là chủ nghĩa cộng sản”.
Đồng chí đã tranh thủ mọi điều kiện để trang bị lý luận Mác - Lênin cho cán bộ, đảng viên, kiên quyết đấu tranh khắc phục những biểu hiện ấu trĩ tả khuynh, hữu khuynh trong Đảng. Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục của Đảng, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Trần Phú, cùng với Thường vụ Trung ương đã ra nhiều nghị quyết, nhiều chủ trương quan trọng về công tác tuyên truyền của Đảng nhằm khắc phục “trình độ lý luận của Đảng còn thấp kém, nền tư tưởng còn chưa vững bền, nhân tài để làm việc Đảng còn rất hiếm”. Nhiệm vụ quan trọng nhất của công tác đó là tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê nin trong Đảng và trong quần chúng vô sản và đào tạo một lớp nhân tài vô sản trong Đảng. Đến cuối tháng 13/1930, quyết định xuất bản báo Cờ vô sảnTạp chí Cộng sản là cơ quan lý luận, phương tiện để tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị cho đảng viên, nhân dân.
Về tư tưởng, đồng chí Trần Phú cùng Thường vụ Trung ương đã sớm nhận rõ: Một điều nguy hại căn bản là Đảng chưa nhận thức rõ địa vị của giai cấp trong cách mạng và chức trách của Đảng. Biểu hiện rõ nhất là trong Đảng số chi bộ và đảng viên công nhân còn ít, chưa thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, còn “giữ cái chế độ rời rạc chỉ huy, địa phương tự trị, cá nhân bao biện và độc đoán… kỷ luật Đảng thì nhiều nơi hết sức là lơi lỏng để cho tư tưởng hành động trong Đảng mỗi người mỗi khác, trái lại có nơi thì thi hành kỷ luật nghiêm khắc một cách vô lý chỉ dùng mệnh lệnh và doạ nạt chứ không giải thích gì hết”. Đồng chí Trần Phú cho rằng những yếu kém đó đều xuất phát từ nhận thức chưa đúng về Đảng và những điều xuất phát từ “đặc tính tiểu tư sản” trong Đảng. Cùng với nhiệm vụ xây dựng năng lực lãnh đạo, Đảng phải đấu tranh chống những biểu hiện tiểu tư sản về tư tưởng, tổ chức và trong hoạt động, tức là chống lại chủ nghĩa cơ hội và chủ nghĩa ba phải trong Đảng.
Về tổ chức, đồng chí Trần Phú đã chủ trương khôi phục lại các ban chấp hành xứ uỷ, tỉnh uỷ; thiết lập mối liên hệ giữa Trung ương và các cấp uỷ đảng địa phương; lập ra Ban Tuyên giáo do một đồng chí Uỷ viên Thường vụ Trung ương phụ trách.
Đồng chí Trần Phú xác định nhiệm vụ cần kíp trong tình hình đó là “Đảng phải thực hành cho được những nhiệm vụ về tổ chức” mà trước hết là phải tăng cường tính chất giai cấp công nhân của Đảng, nhất là trong đội ngũ lãnh đạo. Mặt khác, hoạt động của Đảng phải tập trung vào chi bộ, làm cho chi bộ phát triển, chủ động trong sinh hoạt chính trị của Đảng và lãnh đạo quần chúng đấu tranh.
Cống hiến của đồng chí Trần Phú về công tác xây dựng Đảng và công tác dân vận, đó là: “Dưới sự lãnh đạo cương quyết của đồng chí Trần Phú, Đảng ta đã trở thành một đảng quần chúng thực sự và đã tiến hành những công việc lớn lao về tổ chức và lãnh đạo các tầng lớp quần chúng đông đảo trong cuộc đấu tranh cách mạng”. Đến cuối năm 1930, hệ thống tổ chức Đảng từ Ban Chấp hành Trung ương đến cấp uỷ và phần lớn tỉnh, thành cả nước được thành lập.Ở Bắc Kỳ đã hình thành 17 tỉnh uỷ, thành uỷ và đặc khu uỷ; ở Trung Kỳ có 9 tỉnh uỷ; và ở Nam Kỳ cũng đã thành lập 21 tỉnh uỷ, thành uỷ, liên tỉnh uỷ. Tại nhiều vùng nông thôn, nhà máy, hầm mỏ, đồn điền đã có cơ sở đảng. Số lượng đảng viên tăng nhanh; những ngày đầu mới thành lập (03/02/1930) cả nước có hơn 300 đảng viên thì đầu năm 1931 lên tới 2.400 đảng viên. Nhiều quần chúng yêu nước được giác ngộ qua đấu tranh thời kỳ cao trào cách mạng 1930 - 1931 đã được kết nạp vào Đảng; ảnh hưởng và uy tín của Đảng trong phong trào quần chúng không ngừng được nâng cao. Đây là cơ sở quan trọng để ngày 11/4/1931, tại phiên họp thứ 25 Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản lần thứ XI đã quyết định: “Đảng Cộng sản Đông Dương trước đây là một chi bộ của Đảng Cộng sản Pháp, từ nay được công nhận là một chi bộ độc lập thuộc Quốc tế Cộng sản”.
3. Đồng chí Trần Phú với việc xây dựng các tổ chức cách mạng quần chúng
Về lý luận tổ chức lực lượng, đồng chí Trần Phú chỉ ra rằng: Để lãnh đạo cách mạng, Đảng phải xây dựng xung quanh mình các tổ chức để tập hợp quần chúng nhân dân. Khẳng định giai cấp vô sản lãnh đạo cuộc cách mạng tư sản dân quyền ở Đông Dương mà không tổ chức được toàn dân thành một lực lượng thống nhất chống đế quốc và phong kiến dưới sự lãnh đạo của giai cấp vô sản thì cách mạng khó thành công. Đây là một bước tiến trong nhận thức của Đảng về việc đánh giá vai trò của Mặt trận thống nhất dân tộc trong cách mạng nước ta.
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 10/1930 do đồng chí Trần Phú chủ trì đã thảo luận, thông qua hàng loạt văn kiện quan trọng liên quan trực tiếp đến công tác dân vận và việc thành lập Mặt trận, trong đó có Án nghị quyết về vấn đề phản đế và Điều lệ Đồng minh phản đế ở Đông Dương. Trên cơ sở đó, ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị thành lập Hội Phản đế Đồng minh.
Nhận thức rõ ý nghĩa của phong trào công nhân và việc xây dựng tổ chức Công hội, Hội nghị Trung ương lần thứ nhất (10/1930) đã ra Nghị quyết về vận động công nhân và Điều lệ Tổng Công hội. Sau khi về Sài Gòn, ngày 20/01/1931, đồng chí Trần Phú đã chủ trì Hội nghị công nhân Đông Dương lần thứ nhất bàn về công tác vận động công nhân. Hội nghị quyết định thành lập Ban Công vận Trung ương do đồng chí Trần Phú trực tiếp làm Trưởng ban.
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ hai do đồng chí Trần Phú chủ trì đã chủ trương thống nhất các tổ chức thanh niên vào Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương (ngày nay là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh). Việc “Tổ chức ra cộng sản thanh niên Đoàn là một nhiệm vụ thâu phục một bộ phận quan trọng của vô sản giai cấp, là một vấn đề cần kíp của Đảng phải giải quyết”. Sau này, Trung ương Đảng đã lấy ngày mở đầu Hội nghị - ngày 26/3/1931 làm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Cùng với việc ra các nghị quyết về tổ chức quần chúng cách mạng nói trên, trong khoảng từ tháng 10/1930 đến tháng 3/1931, nhiều nghị quyết và văn kiện về xây dựng các tổ chức quần chúng cách mạng như: Nông hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cứu tế đỏ… đã được Trần Phú và Ban Chấp hành Trung ương soạn thảo, thông qua.
Từ lúc về nước hoạt động và sau đó đảm đương cương vị Tổng Bí thư tuy thời gian không lâu, nhưng đồng chí Trần Phú đã giải quyết một khối lượng công việc to lớn. Những văn kiện do đồng chí Trần Phú dự thảo hoặc chỉ đạo dự thảo, những tổ chức do đồng chí Trần Phú chủ trương lập ra đã đáp ứng được đòi hỏi của phong trào, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng công tác Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng trong những năm đầu Đảng mới thành lập.
4. Đồng chí Trần Phú là người con ưu tú của Đảng, của nhân dân, là tấm gương sáng mẫu mực về chí khí chiến đấu của người Cộng sản
Xuất thân trong một gia đình nhà Nho yêu nước, trước sự áp bức, bóc lột của thực dân phong kiến, chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, sự nổi dậy đấu tranh chống áp bức, bóc lột của các tầng lớp nhân dân, Trần Phú đã sớm chọn con đường chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đồng chí Trần Phú là một tấm gương mẫu mực cho tinh thần ham học hỏi, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, đồng chí đã tìm đọc các loại sách báo tiến bộ, tự học tiếng Anh để trau dồi kiến thức. Khi đang là thầy giáo, bằng nhiệt huyết của mình, đồng chí Trần Phú đã truyền cho các lớp học sinh tinh thần yêu nước và vận động học tập, quần chúng tham gia đấu tranh cho độc lập dân tộc, cho một xã hội tốt đẹp, không còn bị áp bức, bất công… Sau khi được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được bồi dưỡng lý luận Chủ nghĩa Mác - Lênin và được kết nạp vào Cộng sản Đoàn, từ chủ nghĩa yêu nước, đồng chí Trần Phú đã đến với lý tưởng cộng sản và quyết tâm dâng hiến đời mình cho lý tưởng cao đẹp đó.
Đồng chí Trần Phú đã nêu cao tấm gương sáng ngời về lòng trung thành tuyệt đối với Đảng và cách mạng, về tinh thần bất khuất, chiến đấu kiên cường trước kẻ thù. Gần 5 tháng bị giam cầm, mặc dù kẻ địch dùng đủ mọi cực hình tra tấn, song chúng không thể khuất phục được ý chí cách mạng của đồng chí. Từ trong ngục tù của đế quốc, đồng chí Trần Phú và các chiến sỹ cách mạng vẫn tìm cách liên lạc với bên ngoài, đồng thời kiên cường đấu tranh chống chế độ hà khắc của nhà tù. Lời căn dặn “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” của đồng chí trước lúc đi xa, đã trở thành vũ khí tư tưởng sắc bén cho mỗi một người chiến sỹ cách mạng, cổ vũ lớp lớp thế hệ giữ vững lập trường, kiên định con đường cách mạng mà Đảng và nhân dân đã lựa chọn.
Tinh thần cách mạng, chí khí chiến đấu và sự hy sinh anh dũng của đồng chí Trần Phú là tấm gương mẫu mực cho người cộng sản Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược. Đồng chí đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng ta, của nhân dân ta.
Tổng Bí thư Trần Phú mất đi là một tổn thất to lớn đối với Đảng và phong trào cách mạng của nhân dân ta, đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Trong bài tưởng nhớ đồng chí Trần Phú năm 1932 lưu trữ tại Hồ sơ Quốc tế Cộng sản đã khẳng định: “Sự nghiệp cách mạng, niềm tin và phẩm chất cao đẹp của Tổng Bí thư Trần Phú trong nhà tù đế quốc sẽ mãi mãi là tấm gương bất diệt cho những người cộng sản trên thế giới, đặc biệt là những người Cộng sản Đông Dương”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần đã nêu cao tấm gương hy sinh oanh liệt của đồng chí Trần Phú cùng với nhiều nhà cách mạng khác “đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết, lên trước hết. Các đồng chí đó đã tin tưởng sâu sắc, chắc chắn vào lực lượng vĩ đại và tương lai vẻ vang của giai cấp, của dân tộc. Các đồng chí ấy đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay”.
III. ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HÀ TĨNH PHẤN ĐẤU XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG NGÀY CÀNG VĂN MINH, GIÀU MẠNH XỨNG ĐÁNG VỚI CÔNG LAO TO LỚN CỦA ĐỒNG CHÍ TRẦN PHÚ
Hà Tĩnh là vùng quê giàu truyền thống văn hoá và cách mạng. Trong suốt chiều dài lịch sử, các thế hệ người Hà Tĩnh đã hun đúc nên truyền thống lao động cần cù, ý chí kiên cường, bất khuất, tinh thần đoàn kết gắn bó, tương thân, tương ái, sống nghĩa tình, thuỷ chung. Mảnh đất này đã sản sinh cho Đảng, cho dân tộc nhiều người con ưu tú. Đặc biệt, Hà Tĩnh rất vinh dự và tự hào là quê hương của đồng chí Trần Phú và đồng chí Hà Huy Tập - Hai Tổng Bí thư của Đảng.
Cuộc đời và quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Phú ở quê hương Hà Tĩnh tuy không nhiều, nhưng những công lao, cống hiến của đồng chí với Đảng, với dân tộc cũng chính là công lao, cống hiến cho quê hương. Tấm gương chiến đấu, hy sinh của đồng chí Trần Phú luôn là sự cổ vũ, khích lệ, niềm tự hào của quê hương Hà Tĩnh.
Xứng đáng là quê hương cách mạng của đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, Đảng bộ Hà Tĩnh là một trong những Đảng bộ ra đời sớm nhất trong toàn quốc và đi tiên phong trong Cao trào cách mạng 1930 - 1931. Mặc dù bị kẻ thù tập trung khủng bố khốc liệt nhưng cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng vẫn kiên trì vượt qua thử thách, từng bước khôi phục lại để cùng cả nước dấy lên phong trào vận động dân chủ những năm 1936-1939. Trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, Hà Tĩnh là một trong bốn tỉnh giành chính quyền về tay nhân dân sớm nhất cả nước. Sau Cách mạng Tháng Tám, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ, quân và dân Hà Tĩnh đã xây dựng và bảo vệ vững chắc quê hương, dốc sức chi viện cho mặt trận, góp phần cùng cả nước đánh bại thực dân Pháp xâm lược.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hà Tĩnh đảm nhiệm vị trí chiến lược vừa là hậu phương của tiền tuyến miền Nam, vừa là tiền tuyến của hậu phương miền Bắc, nên phải đương đầu với những thử thách ác liệt và nhiều hy sinh tổn thất. Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh nêu cao ý chí tự lực, tự cường vươn lên mạnh mẽ, giành nhiều chiến công hiển hách.
Bước vào thời kỳ hòa bình xây dựng quê hương, đất nước, đặc biệt là từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII (2015 - 2020) đến nay, Hà Tĩnh tiếp tục phát huy truyền thống và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng Hà Tĩnh sớm thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo, trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ phát triển. Được sự giúp đỡ của Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự nỗ lực của toàn Đảng bộ và nhân dân, kinh tế Hà Tĩnh liên tục tăng trưởng ở mức cao, đời sống nhân dân được cải thiện, văn hoá - xã hội có nhiều khởi sắc; an ninh - quốc phòng được giữ vững; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường…
Hà Tĩnh là một trong những địa phương tốp đầu của cả nước về thu hút đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 1.183 dự án, trong đó có 1.108 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký trên 107.479 tỷ đồng và 75 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 12.068 triệu USD. Hà tĩnh là địa phương đứng thứ 9 cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài với 17 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào địa bàn. Đặc  biệt, Khu Kinh tế Vũng Áng với các sản phẩm chủ lực như: luyện thép, nhiệt điện, dịch vụ cảng biển,... thúc đẩy quá trình hội nhập của tỉnh, của khu vực Bắc Trung bộ và cả nước.
Nhờ thu hút đầu tư đột phá trong lĩnh vực công nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới được quan tâm về cơ chế, chính sách và ưu tiên nguồn lực đầu tư để phát triển bền vững. Tốc độ tăng trưởng nông – lâm - thuỷ sản bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt 5,46% gấp gần hai lần bình quân chung cả nước. Chương trình mục tiêu quốc gia xây nông thôn mới đã trở thành phong trào sâu rộng trong toàn dân; huy động cả hệ thống chính trị tích cực tham gia; thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư của các thành phần kinh tế. Nông thôn Hà Tĩnh đã thay đổi căn bản, khởi sắc với diện mạo mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực nông thôn không ngừng được nâng cao. Giai đoạn 2010 – 2015, Hà Tĩnh là một trong 13 tỉnh trong cả nước vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Năm 2018 có 45 xã đạt chuẩn nông thôn mới (kế hoạch đặt ra là 25 xã), nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 158 xã, chiếm 69% vượt mục tiêu 5 năm (mục tiêu đến 2020 đạt trên 50%), huyện Nghi Xuân được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt đô thị loại II; huyện Đức Thọ đẩy nhanh tiến độ đạt chuẩn; các huyện Vũ Quang, Can Lộc, Lộc Hà phấn đấu và đã được thông qua Đề án đạt chuẩn huyện nông thôn mới giai đoạn 2019 - 2020.
Năm 2018, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng nhờ sự quyết tâm phấn đấu của cả hệ thống chính trị nên các lĩnh vực vẫn đạt kết quả tốt. Tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 20,8%. Quy mô GRDP năm 2018 theo giá trị hiện hành đạt 65 nghìn tỷ đồng, gấp 1,22 lần so với GRDP năm 2015. GRDP bình quân đầu người đạt 51 triệu đồng, tương đương 2.217 USD (cả nước 2.540 USD). Kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp. Thu ngân sách đạt 12.784 tỷ đồng, đạt 150,2% kế hoạch Trung ương giao, đạt 136% kế hoạch HĐN tỉnh giao.
Lĩnh vực văn hoá - xã hội đạt nhiều kết quả tích cực. Các giá trị di sản văn hoá được giữ gìn, bảo tồn và tiếp tục phát huy, nhất là Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh - Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Cùng với mộc bản trường học Phúc Giang, sách Hoàng Hoa Sứ Trình Đồ đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á, Thái Bình Dương. Nhiều chỉ tiêu về giáo dục - đào tạo thuộc tốp đầu cả nước. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được chú trọng. Chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ nhân nhân có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là chất lượng dịch vụ y tế và tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh của đội ngũ cán bộ, bác sỹ, y sỹ, nhân viên y tế. Thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách đối với người có công; giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo; an sinh xã hội ngày càng đảm bảo.
Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Cải cách hành chính có nhiều tiến bộ; thành lập Trung tâm hành chính công của tỉnh và các huyện, thành phố, thị xã. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI) được nâng lên xếp thứ 23 (tăng 10 bậc so với năm 2017, đặc biệt là chỉ số về hiệu quả quản trị và hành chính công (PIPA) năm 2018 xếp thứ 7 trong toàn quốc (tăng 5 bậc so với năm 2017 và thuộc tốp đầu của cả nước), góp phần tạo môi trường đầu tư sản xuất, kin doanh và điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Công tác xây dựng Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị được quan tâm chăm lo. Các đảng bộ, chi bộ đã nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Nghị quyết số 18, 19 Hội nghị Trung ương 6 khoá XII được tập trung thực hiện, đổi mới, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, đảm bảo hoạt động được hiệu lực, hiệu quả. Công tác tổ chức cán bộ được tập trung chỉ đạo đảm bảo công khai dân chủ; việc bố trí, sử dụng,luân chuyển cán bộ, kết quả kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng được tăng cường, hoạt động của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đạt nhiều kết quả tích cực. Sức mạnh tổng hợp của khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, sự đồng thuận cao trong nhân dân và của hệ thống chính trị là cơ sở, nền tảng để Hà Tĩnh bứt phá vươn lên phát triển nhanh và toàn diện.
* Phát huy truyền thống của quê hương của đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, những năm qua, Đảng bộ và Nhân dân huyện Đức Thọ đã nêu cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu không ngừng và đạt được nhiều kết quả nổi bật trên các lĩnh vực, nhất là trong năm 2018. Kinh tế tiếp tục phát triển; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng (nông nghiệp chiếm 20,7%; công nghiệp - xây dựng chiếm 37,5%; thương mại - dịch vụ chiến 41,5%); tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 204 tỷ đồng, đạt 142% kế hoạch tỉnh giao; thu nhập bình quân đầu người đạt 39,2 triệu đồng/người.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Đến nay, toàn huyện có 23/37 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 19,11 tiêu chí/xã; xây dựng 147 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, 755 vườn mẫu, một số khu dân cư mẫu đã thu hút các đoàn khách trong, ngoài tỉnh, quốc tế đến tham quan, trải nghiệm làng quê nông thôn mới như Châu Tùng, Châu Nội (Xã Tùng Ảnh); Đại Nghĩa (xã Đức Yên),... có 6/9 tiêu chí đạt tiêu chí huyện nông thôn mới.
Lĩnh vực văn hoá – xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên; cơ sở vật chất trường, lớp học được quan tâm đầu tư, duy trì tốt nề nếp, kỷ cương dạy và học. Toàn huyện có 63/71 trường chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 88,7%.
Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân tiếp tục được chăm lo; đếnnay 100% các xã đạt tiêu chí Quốc gia về y tế; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90%. Công tác giảm nghèo, thực hiện các chính sách an sinh xã hội được tập trung chỉ đạo; tỷ lệ hộ nghèo, thực hiện các chính sách an sinh xã hội được tập trung chỉ đạo; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nông thôn mới còn 2,59%.
Công tác an ninh, quốc phòng được giữ vững; luôn chủ động nắm chắc tình hình, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Công tác xây dựng Đảng và các tổ chức trong hệ t hống chính trị được tăng cường. Tập trung chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI, khoá XII); Nghị quyết số 18, 19 Hội nghị Trung ương 6 khoá XII được tập trung thực hiện, đổi mới, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, đảm bảo hoạt động được hiệu lực, hiệu quả; chỉ đạo bố trí trên 100 cán bộ, công chức, bán chuyên trách xã, thị trấn làm kiêm nhiệm ở xã, thôn xóm; duy trì tốt việc phân công 155 cán bộ huyện về dự sinh hoạt Đảng tại 155 chi bộ thôn, xóm, tổ dân phố trực thuộc Đảng bộ xã, thị trấn để nắm tình hình và giải quyết các vụ việc từ cơ sở. Nắm bắt kịp thời tình hình dư luận xã hội, nắm bắt diễn biến tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Những kết quả nổi bật của Đảng bộ và Nhân dân huyện Đức Thọ đạt được thời gian qua, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương Hà Tĩnh ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trên con đường phát triển, Hà Tĩnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức: sản xuất nông nghiệp quy mô còn nhỏ; kết quả xây dựng nông thôn mới chưa đồng đều giữa các địa phương; tiến độ triển khai một số dự án còn chậm; lĩnh vực khoa học và công nghệ phát triển chưa tương xứng tiềm năng; nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu; công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu còn bất cập; an ninh trật tự, an toàn giao thông còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tại một số đơn vị chưa ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ.
Để xứng đáng là quê hương đồng chí Trần Phú, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra: Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy dân chủ, đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; mở rộng hội nhập; huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ, gắn với nền nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đầu tư phát triển văn hóa - xã hội và hệ thống đô thị ngang tầm với phát triển kinh tế; bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị; đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh hơn, bền vững hơn theo hướng công nghiệp hiện đại. Trong đó tập trung vào các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm:
Một là, tăng cường công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn đảng; ngăn chặn,d đẩy lùi sự suy thoái về tư tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tin gọn, hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6,7,8 (khoá XII), Nghị quyết số 37 - NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 635/2019 UBTVQH14 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 – 2021. Xây dựng chính quyền các cấp năng động, liêm chính. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đảm bảo năng lực, phẩm chất và uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới, nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, để từ đó đưa ra những giải pháp xây dựng đội ngũ đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp thực sự tiên phong, gương mẫu, luôn đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân, thực sự là cán bộ của nhân dân, phục vụ nhân dân.
Hai là, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, nhất là Chuyên đề năm 2019 “Về xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân”, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, hành động tự giác trong Đảng, hệ thống chính trị và xã hội; tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức và hành động của các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên. Tiếp tục bổ sung, xây dựng và thực hiện những chuẩn mực đạo đức theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phù hợp với đặc điểm của từng ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Xác định rõ trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị theo các quy định của Trung ương, của Tỉnh.
Ba là, tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương xây dựng Khu Kinh tế Vũng Áng trở thành khu kinh tế động lực, trung tâm công nghiệp, thương mại - dịch vụ hiện đại của khu vực và cả nước; đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh Quy hoạch tổng thể đến năm 2020 và lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050, hoàn chỉnh đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quan tâm phát triển du lịch, dịch vụ, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng hạ tầng đồng bộ trục phát triển ven biển, đảm bảo phát triển bền vững cho Hà Tĩnh gắn với phát triển liên vùng các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ.
Năm là, tập trung cải thiện môi trường đầu tư sản xuất, kinh doanh; đa dạng hoá các hình thức thu hút đầu tư và loại hình đầu tư để phát triển khu vực công nghiệp, dịch vụ, du lịch. Tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm. Quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Chỉ đạo quyết liệt cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, xây dựng nông thôn mới vào cuối năm 2019. Đẩy mạnh phong trào xây dựng Khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu đi vào chất lượng, chiều sâu, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Tập trung mọi giải pháp, xây dựng Đức Thọ, Lộc Hà, Can Lộc, Vũ Quang đạt chuẩn huyện nông thôn mới trong giai đoạn 2019 – 2020. Tiếp tục hoàn thiện các tiêu chuẩn đô thị loại 3 đối với thị xã Kỳ Anh, thị xã Hồng Lĩnh theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.
Khuyến khích thành lập mới, đồng thời tạo điều kiện, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác. Chú trọng phát triển doanh nghiệp tư nhân, coi doanh nghiệp tư nhân là động lực trọng yếu cho phát triển kinh tế.
Sáu là, phát triển toàn diện lĩnh vực văn hoá – xã hội. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, tạo động lực cho tăng cường kinh tế theo chiều sâu. Nâng cao chất lượng chiều sâu lĩnh vực giáo dục – đào tạo và công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, đặc biệt quan tâm công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tiếp tục mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác đối ngoại. Đảm bảo quốc phòng – an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội nâng cao tinh thần cảnh giác cho nhân dân trước những âm mưu chống phá của các thế lực thù địch.
Bảy là, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tập hợp đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết và tạo sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Tám là, đối với huyện Đức Thọ, tập trung mọi nguồn lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2015 – 2020. Tập trung các giải pháp nhằm tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo phấn đấu xây dựng hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền từ huyện tới cơ sở theo Nghị quyết số 19,19 của Hội nghị BCH Trung ương 6 khoá XII, Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị; xây dựng huyện đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2019.
Kỷ niệm 115 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống quý báu của Đảng, những đóng góp to lớn của đồng chí Trần Phú đối với cách mạng Việt Nam. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng bộ, là dịp để Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, quyết tâm đưa Hà Tĩnh trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ phát triển, xứng đáng là quê hương của đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.
FB IMG 1554041421430

* Khẩu hiệu tuyên truyền:
1. Chào mừng Kỷ niệm 115 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng (01/5/1904 – 01/5/2019)!
2. Thi đua lập thành tích chào mừng Kỷ niệm 115 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng (01/5/1904 – 01/5/2019)!
3. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tích cực “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”!
4. Phát huy truyền thống quê hương anh hùng, quyết tâm xây dựng Hà Tĩnh ngày càng giàu mạnh, văn minh!
5. Phát huy truyền thống quê hương của Tổng Bí thư Trần Phú, quyết tâm xây dựng Đức Thọ ngày càng giàu mạnh, văn minh!
6.  Quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XVII và Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng!
7. Tất cả vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh!
8. Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!
9. Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm!
10. Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!
* Thời gian treo băng cờ, khẩu hiệu: Từ ngày 20/4/2019 đến hết ngày 07/5/2019.
                                                                                           BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ

 

Nguồn tin: BAN TUYE GIÁO TINH ỦY HÀ TĨNH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

 ALBUM ẢNH

  Liên kết website

 THỐNG KÊ

  • Đang truy cập3
  • Hôm nay146
  • Tháng hiện tại16,678
  • Tổng lượt truy cập571,411
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây